XA NHAU
“Chúng ta chỉ hiểu nhau khi chúng ta xa nhau.”
Lại một câu nói nữa mà tôi quên tên tác giả.
Những ngày đầu về Thanh Hải, tôi nói câu nầy. Ba năm sau, một chủng sinh cho câu đó thật ý nghĩa. Đương sự hiểu thế nào tôi không hỏi, nhưng chỉ biết câu nói đã ảnh hưởng đến cậu ta.
Có người nói với tôi con đau khổ quá, vì khi cha mẹ còn sống, con không hiếu thảo lắm. Nhưng nay cha mẹ đã mất, con muốn có cha mẹ để đền ơn sinh thành nhưng cha mẹ không còn. Hãy xử tốt khi cha mẹ còn ở với ta. Cha mẹ không còn, ta ân hận cũng chỉ thêm đau.
Khi làm việc với nhau, ca trưởng là gì… cha nghĩ còn cha là đủ, người khác không cần thiết. Nhưng khi ca trưởng không làm nữa thì cha sở rối lên như gà mắc dây thun.
Mấy chú giúp lễ nào cần thiết gì, không có chúng nó thì đặt bánh rượu thật gần bàn thờ để cha tự liệu. Nhưng khi chúng nó vắng mới thấy cần chúng nó.
Ta nên xử đẹp với nhau khi ta làm việc với nhau, dù người đó làm việc nhỏ hay việc lớn.
Xứ tôi có anh coi máy. Nó không đẹp trai lắm, cũng không thông minh lắm, nhưng rất nhiệt tình. Tôi nghĩ nếu một thánh lễ mà không có anh ta coi máy thì thật đáng lo, nhất là lễ cưới, lễ trọng, tuy dàn máy của tôi rất dễ sử dụng.
Tôi cảm nhận ai cũng cần thiết và ai cũng cần được chúng ta lưu ý và biết ơn. Một chút quà, một tí lì xì đâu có đáng gì, nhưng là dấu biết ơn…
Cha xứ cũng thế thôi. Khi ở với nhau thì giáo dân thấy cha xứ cũng bình thường, cha nào cũng như cha nào: Cha ở cũng được, cha đi cũng được. Nhưng khi cha đi rồi thì thấy có cái chi đó mất mát. Quá trễ. Cha cũ ít khi trở lại làm cha xứ lần thứ hai. Hãy xử đẹp với nhau khi chúng ta ở với nhau.
Người ta nói đến những đôi vợ chồng ly dị. Nếu xóa bàn làm lại thì anh chị sẽ chọn người thứ nhất hay người đến sau? Câu trả lời trong bản thăm dò là tất cả mọi người được hỏi đều trả lời là chọn người thứ nhất. Vậy sao khi ở với nhau lại không bằng lòng nhau mà lại dứt nghĩa đoạn tình.
“Chúng ta chỉ hiểu nhau khi chúng ta xa nhau.”
Ôi quá trễ.
Một câu nói đáng chúng ta suy nghĩ.
Lm. Mi Trầm
GX. Ngọc Thủy, Nha Trang
|