TƯỚI NƯỚC CHO CÂY



Buổi sáng, thỉnh thoảng tôi tưới cây…

Nếu tưới mỗi ngày một chút thì cây tươi tốt, nhưng nếu sao nhãng thì cây bị héo.

Từ việc tưới cây, tôi chạnh nghĩ đến chuyện giáo dục. Cây không siêng tưới thì cây khô, người không siêng dạy thì người hư.

Nếu người đi trước chú tâm dạy dỗ thì tạo được cái nếp, tạo được truyền thống… và con cái sẽ đi trên con đường đã vạch. Nhưng nếu người đi sau không coi trọng con đường cũ ấy thì việc giáo dục sẽ xuống rất nhanh, nhanh như cây không được tưới nước liên tục sẽ khô cằn.

Người đi trước nhắc bảo đừng hút thuốc, hoặc bỏ áo vô quần khi đến nhà Chúa và giáo dân chấp hành. Người đi sau cho thế là ép buộc nên chủ trương cứ để giáo dân tự do, nói cho văn minh hơn là để họ ý thức… Ý thức đâu chẳng thấy, chỉ thấy họ lại hút thuốc nhiều hơn và mặc quần áo lè phè hơn. Ý thức đâu chẳng thấy, chỉ thấy con cái ít đi học Giáo Lý hơn, ít đi lễ hơn…

Tôi nhớ hình ảnh Đức Cha Fulton Sheen về cây nho. Ngài nói : Người ta buộc cây nho để nó mọc đẹp hơn và cho trái nhiều hơn. Tôi đồng ý với Ngài.

Nhưng buộc thế nào cho hợp tình, hợp lý và tạo được kết quả tốt?

Tôi thiết nghĩ là mình cứ nhắc bảo luôn, mỗi Chúa Nhật một chút. Mưa lâu thấm đất. Đừng nóng vội, đừng la lối.

Nhưng làm sao để không nóng vội, không la lối? Thật khó! Tuổi đời sẽ dạy chúng ta làm được điều đó. Người trẻ muốn thấy thành công nên dễ sinh ồn ào. Người có tuổi hiểu được “sự thảnh thơi” của giáo dân nên cứ trường kỳ kháng chiến.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu giáo dân của con để con luôn lưu tâm đến việc giáo dục trường kỳ.

Xin cho giáo dân của con biết thông cảm, biết nghe để cha con cùng sống tốt lời Chúa và nên gương sáng cho thế hệ tương lai của giáo xứ mình.

(Viết trong ngày kêu gọi các em 4 tuổi ghi danh học Giáo Lý và cũng là ngày 22 em dự tu sinh hoạt lần đầu.)

Lm. Mi Trầm
GX Ngọc Thủy, Nha Trang